Hầu hết chúng ta đều không phải là một nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp và đó là điều hết sức hiển nhiên. Cho dù với bạn thiết kế nội thất là một sở thích thú vị hay là việc bạn buộc phải chấp nhận thì điều đó vẫn giúp ngôi nhà của bạn trở nên chỉn chu hơn. Và đôi khi, trong quá trình tìm hiểu, bạn nhận thấy thật khó để hiểu hết được ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên ngành, ví dụ như “màu cấp 2”- bạn đã bao giờ nghe nói đến khái niệm đó?
Trong phạm vi bài viết sau đây, chúng tôi chú trọng truyền tải những thông điệp để dành cho tất cả mọi người- những người không có chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Vì vậy, ngày hôm nay chúng ta sẽ giải quyết từ những vấn đề cơ bản nhất- đó là những lý thuyết cơ bản về màu sắc mà bất kỳ ai có niềm đam mê thiết kế nên biết. Hãy lưu bài viết này lại trong thư mục, chắc chắn nó sẽ có ích khi bạn băn khoăn trong việc lựa chọn màu sắc bên trong một không gian nội thất.
1.) Sử dụng bánh xe màu như thế nào? (Color wheel)
Chắc chắn ai cũng đã từng được học về bánh xe màu từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường và đến giờ bạn đã không còn nhớ gì về chúng. Tuy nhiên, để thực sự hiểu về màu sắc, chúng ta có thể sẽ cần phải hệ thống lại mớ lý thuyết đó. Hãy nghĩ đơn giản rằng bánh xe màu cung cấp hình ảnh đại diện của màu sắc trong đó chúng được pha trộn một cách kỳ diệu với nhau. Về cơ bản, chúng loại bỏ tất cả những phỏng đoán của mọi người về việc phối màu. Trên thực tế, vòng tròn này có thể được mở rộng và bao gồm số lượng vô hạn các sắc thái khác nhau của màu sắc.
Đừng băn khoăn nếu bạn không thể nhớ hết những màu được chỉ định trong bánh xe màu, có rất nhiều cách để tra cứu nó trên internet. Palleton là một trang web cho phép bạn thoải mái phối màu theo ý thích trên chính màn hình máy tính (hay trên smart phone) của bạn.
2.) Các màu cơ bản là gì?
Chắc chắn bạn sẽ thắc mắc tại sao lại có tận 12 màu cơ bản trên bánh xe màu trong khi thường chỉ nghe nói đến 7 sắc cầu vồng. Hãy tin chúng tôi và cùng tìm hiểu tại sao lại có đến 12 màu cơ bản và cách để tạo ra chúng.
– Màu gốc (màu nguyên thủy): Đỏ, xanh dương, vàng. Không thể tạo ra bằng cách pha trộn từ những màu khác.
– Màu thứ cấp (nhóm màu cấp 1): Cam, tím, xanh lá . Được tạo ra bằng cách pha trộn 2 màu nguyên thủy.
– Nhóm màu cấp 2: được tạo ra bằng cách pha trộn giữa màu nguyên thủy và màu thứ cấp
Nếu bạn đang muốn trang trí một không gian nội thất đầy màu sắc mà chưa biết bắt đầu từ đâu, 12 màu sắc nói trên chính là những sự lựa chọn an toàn. Việc chọn 1 trong số đó sẽ giúp bạn thu hẹp sự lựa chọn, cho đến khi tìm được chính xác sắc thái mà bạn yêu thích.
3.) Thay đổi màu sắc với màu trung tính (đen và trắng)
Khi bạn đã chọn được một màu cơ bản, thật dễ dàng để tạo ra nhiều phiên bản khác nhau. Tất cả những gì bạn cần làm là kết hợp màu sắc đã chọn với màu trung tính (đen hoặc trắng) để làm nó tối hoặc sáng hơn. Trong thiết kế nội thất, người ta gọi đó là sắc sáng (tint), sắc tối (shade) và sắc xám (tone).
– Tint: Màu được tăng độ sáng bằng cách thêm màu trắng
– Shade: Màu được tăng độ tối bằng cách thêm màu đen
– Tone: Màu hơi tối được tạo ra bằng cách thêm màu xám.
Rất nhiều họa sĩ đưa ra lời khuyên: Nên thử nghiệm màu sắc bằng cách trộn sơn đến khi bạn có cảm giác rõ ràng rằng màu trung tính có ảnh hưởng đến màu mà mình đã chọn. Tuy nhiên, việc thử nghiệm là không cần thiết khi bạn có thể dễ dàng tìm ra một màu ưng ý dựa trên bảng màu pha sẵn từ các cửa hàng hoặc nhà cung cấp.
4.) Hiều về nhiệt độ màu
Có thể bạn đã từng nghe nói về việc mỗi màu sắc đều hiển thị một nhiệt độ nhất định. Một phòng ăn có thể được tô điểm trong những tone màu ấm áp trong khi nhiều người lại lựa chọn những màu dịu mát để hoàn thiện nội thất phòng ngủ.
Nhiệt độ của màu cũng được hiển thị rõ trong bánh xe màu. Những màu như đỏ, da cam và vàng được xem là những màu nóng. Chúng tượng trưng cho sự sôi động và mang lại cảm giác sống động, gần gũi với một không gian. Ngược lại những màu như xanh dương, tím và hầu hết các sắc thái của màu xanh dương đều được xem là những màu lạnh. Chúng mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho một căn phòng. Khi chọn nhiệt độ màu, cần dựa trên diện tích của không gian đó. Ví dụ như việc sử dụng màu nóng trong một căn phòng nhỏ và kín sẽ mang lại cảm giác ngột ngạt hay dùng màu lạnh cho một căn phòng quá rộng có thể sẽ khiến nó càng trở nên trống trải.
5.) Phối màu bổ sung
Khi nói về việc phối màu thì màu bổ sung là đơn giản nhất. Người ta thường sử dụng 2 màu có vị trí đối diện nhau trong bánh xe màu. Thông thường sẽ có một màu đóng vai trò làm màu chi phối, màu còn lại sẽ là điểm nhấn. Có một số cặp màu bổ sung thường thấy như đỏ- xanh lá, cam- xanh dương hay vàng-tím. Sự kết hợp màu sắc này có độ tương phản cực cao. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn hướng tới một mẫu thiết kế đặc biệt và ấn tượng, chỉ cần sử dụng một lượng chi tiết rất nhỏ- và bạn phải chắc rằng tất cả đều được áp dụng hợp lý. Điều đó sẽ khiến căn phòng trở nên sống động và trẻ trung hơn rất nhiều.
Nếu bạn là tín đồ của phong cách phối màu đối lập này, việc lựa chọn những màu trung tính là rất cần thiết, chỉ như vậy mắt của bạn mới có khoảng được nghỉ ngơi mà không bị choáng ngợp trong chính ngôi nhà mình.
6.) Phối màu cận bổ sung
Nếu bạn thích ý tưởng về những màu bổ sung nhưng lại lo ngại chúng quá táo bạo so với thị hiếu của mình, phối màu cận bổ sung sẽ là một sự lựa chọn an toàn. Để thực hiện, hãy chọn ra một màu cơ bản mà bạn yêu thích. Sau đó, thay vì chọn những màu đối diện trực tiếp với nó trong bánh xe màu, hãy để ý đến 2 sắc thái tương đồng ở bên cạnh. Hai sắc thái này sẽ mang lại cảm giác cân bằng cần thiết cho căn phòng. Vẫn sẽ có sự tác động về mặt thị giác bởi những gam màu nổi, nhưng bạn có khả năng phối hợp chúng nhiều hơn thay vì phải dựa vào những màu trung tính để làm dịu không gian.
Để làm tốt nhất phương pháp phối màu cận bổ sung là chọn ra một màu cơ bản để chi phối, tuy nhiên bạn vẫn có thể không quá tập trung vào một màu cụ thể hay nói cách khác là sử dụng một tông màu bão hòa để mang lại sự dịu dàng trong không gian nội thất.
7.) Phối màu tương đồng
Phối màu tương đồng là cách kết hợp 3 màu có vị trí sát nhau trên bánh xe màu. Thông thường sẽ có 2 màu cơ bản, sắc thái còn lại là sự kết hợp giữa 2 màu và một màu thứ cấp (màu cấp 1). Ví dụ, bạn có thể chọn màu đỏ, cam vàng hoặc đỏ, tím, xanh dương. Chìa khóa để sử dụng màu sắc thành công theo cách này chính là tỷ lệ. Một lần nữa, tỷ lệ 60-30-10 lại được sử dụng. Bạn cần phải lựa chọn một màu để chi phối, một để hỗ trợ cho màu chi phối và một màu rực rỡ nhất để làm điểm nhấn.
Điều thú vị là bạn có thể tạo ra một kiểu phối tương tự với những màu trung tính. Người ta thường gọi đó là bảng màu đơn sắc. Rất đơn giản, bạn chỉ cần chọn 3 màu: đen, trắng mà một gam màu xám.
8.) Phối theo tam giác màu
Phối theo tam giác màu- hay phối màu theo bộ ba là lựa chọn 3 màu có vị trí cân xứng với nhau theo hình tam giác đều trên bánh xe màu. Ba màu cơ bản: đỏ, xanh dương và vàng là một ví dụ hoàn hảo, tương tự như việc lựa chọn 3 màu thứ cấp. Đây là cách sắp xếp màu sắc cực kỳ táo bạo.
Việc sử dụng 3 màu có độ tương phản cao như thế này thường xuất hiện trong những mẫu thiết kế phòng trẻ em hoặc một số không gian vui chơi. Nếu muốn sử dụng bộ ba màu sắc sống động này, bạn cần phải xem xét các không gian xung quanh và chắc rằng không có đến 2 phòng tương tự như vậy được đặt cạnh nhau nếu không muốn ngôi nhà trở nên ngột ngạt và náo nhiệt một cách quá mức.
9.) Phối theo tứ giác màu
So với phối màu theo bộ ba, cách này có phần phức tạp hơn hay còn được gọi là cân bằng bốn màu trong không gian. Chúng ta sẽ lựa chọn 4 màu có vị trí cân xứng với nhau theo hình chữ nhật và tập trung vào việc sử dụng 2 cặp màu bổ sung. Theo cách phối này, nhiệt độ màu sắc đóng vai trò rất quan trọng. Hãy thử cố gắng sử dụng 2 màu nóng hoặc 2 màu lạnh trong cùng một không gian và điều đó sẽ góp phần mang lại sự cân bằng.
10.) Phối theo hình vuông màu
Từ tên gọi cũng như số lượng màu sắc sử dụng, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy phương pháp này tương tự như cách phối theo tứ giác màu ở trên. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào những cặp màu đối nghịch nhau, ở đây chúng ta chỉ lựa chọn những màu có vị trí cách đều nhau trên bánh xe màu (4 đỉnh của hình vuông). Trong bảng phối màu sẽ bao gồm: một màu cơ bản, một màu thứ cấp (màu cấp 1) và 2 màu cấp 2. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thay đổi cường độ của 4 màu nói trên bằng cách kết hợp 2 màu với gam trung tính và làm tối 2 màu còn lại.
Vẫn là giải pháp sử dụng 2 màu nóng và 2 màu lạnh, nhưng cách này không chú trọng vào việc cân bằng giữa 4 màu mà bạn sẽ phải lựa chọn một màu tối làm màu chi phối, khi đó 3 màu còn lại sẽ đóng vai trò màu bổ trợ.